Phương pháp xử lý rác xưa đến nay tại Việt Nam chủ yếu vẫn là chôn lấp - giải pháp chẳng những gây lãng phí tài nguyên đất, “tài nguyên” rác, mà còn gây ảnh hưởng xấu tới môi trường nước mặt, nước ngầm, đất và không khí. Nay, trên thế giới đã “nở rộ” các nhà máy xử lý rác bằng công nghệ đốt...
Tháng 7.2017, Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân (bìa trái) đã có chuyến thị sát Nhà máy điện rác Gò Cát . Ảnh: C.H
Công nghệ “đốt phát điện” - một xu thế
Ngày 10.1 vừa qua, tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Bình Dương (phường Chánh Phú Hòa, TX Bến Cát), Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương đã tổ chức lễ khánh thành giai đoạn II gồm các dự án Tổ hợp phát điện chạy bằng khí Biogas thu hồi từ rác thải công suất 820KW; nâng gấp đôi công suất Nhà máy sản xuất phân vi sinh compost từ rác lên 840 tấn/ngày; lò đốt rác thải nguy hại công suất 100 tấn/ngày. Đây là một trong những nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt phát điện ở khu vực phía nam.
Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ - công tác tại Trung tâm công nghệ môi trường, thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường VN: “Hiện nay trên thế giới, công nghệ đốt chất thải đã ngày càng được áp dụng rộng rãi, do có một số ưu điểm nổi bật so với các công nghệ khác, như giảm được 90 - 95% thể tích và khối lượng chất thải, có thể tận dụng nhiệt, tiết kiệm được diện tích so với biện pháp chôn lấp, giảm thiểu ô nhiễm nước, mùi hôi, giảm phát khí thải nhà kính so với biện pháp chôn lấp”.
Điều này cũng đang nằm trong sự quan tâm của VN. Bởi, khối lượng chất thải rắn công nghiệp, chất thải nguy hại, chất thải sinh hoạt ở các địa phương - nhất là tại TPHCM, trung tâm đô thị lớn nhất nước - ngày càng gia tăng.
Bên cạnh đó, biện pháp xử lý rác theo kiểu chôn lấp ngày càng bộc lộ các nhược điểm khó giải quyết. Vì vậy, xử lý rác bằng công nghệ đốt phát điện là giải pháp tốt nhất, một xu thế cho các nhà máy xử lý rác thải ở VN.
TS Phùng Chí Sỹ cho biết: Tại Châu Âu, rác được xử lý bằng công nghệ đốt được thực hiện từ những năm 1930. Ở Đức có trên 60% số lượng rác được đốt, ở Đan Mạch là 100% được đốt và thu hồi năng lượng... Nhiệt được sản xuất từ lò đốt được sử dụng để tạo ra hơi nước, mà sau đó dùng chạy tua bin để sản xuất điện... Đốt khoảng 600 tấn rác/ngày sẽ sản xuất khoảng 400 MWh điện năng/ngày và 1.200 MWh năng lượng sưởi ấm mỗi ngày.
“Nở rộ” nhà máy phát điện từ... công nghệ đốt rác thải
Tại Mỹ, các lò đốt rác đầu tiên được xây dựng từ năm 1885. Giải pháp chuyển hoá chất thải thành năng lượng đã được các tổ chức, đơn vị chuyên ngành công nhận tại Mỹ từ rất lâu. Để khuyến khích công nghệ đốt phát điện cạnh tranh và phát triển, Mỹ đã áp dụng các chính sách thuế ưu đãi. Chính phủ Mỹ đã bãi bỏ các khoản thuế cho các nhà máy đốt chất thải phát điện từ năm 2004. Tại châu Âu, lệnh cấm chôn lấp rác thải không qua xử lý đã được ban hành từ nhiều thập kỷ.
Điện được tạo ra từ công nghệ đốt được các nước châu Âu ưu đãi thuế... Đan Mạch và Thuỵ Điển sử dụng năng lượng tạo ra từ rác trong hơn 1 thế kỷ qua. Một số nước châu Âu khác chủ yếu dựa vào đốt để xử lý rác thải đô thị, đặc biệt là Luxembourg, Hà Lan, Đức và Pháp. Ở Nhật Bản, đây là quốc gia có tỷ lệ rác thải được xử lý bằng các phương pháp đốt cao nhất thế giới. Khoảng 68 triệu tấn/năm, với 1.200 nhà máy.
Riêng các nhà máy đốt chất thải kết hợp phát điện, tính đến năm 2009, Nhật Bản có 304 nhà máy, với tổng công suất phát điện 1.673 MWh/năm. Ở Trung Quốc, năm 2011, xử lý đốt rác thải tăng gấp 33 lần so với năm 2000, đạt 94.000 tấn/ngày. Cuối năm 2012, Trung Quốc có 142 nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện đã được xây dựng và đưa vào hoạt động. Với tổng quy mô xử lý là 124.000 tấn, tổng công suất đạt khoảng 2.600 MW... Mỗi ngày Singapore thải ra khoảng 16.000 tấn rác. Khoảng 7.000 tấn được đưa vào 4 nhà máy đốt rác thải phát điện đủ cung cấp 3% tổng nhu cầu điện của Singapore.v.v...
Phát triển công nghệ đốt rác phát điện, VN phải làm gì?
Bí thư Thành uỷ TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: “Chưa bao giờ, chính quyền và người dân TP lại đau đáu quan tâm tới chuyện xử lý rác như bây giờ. Vì vậy, việc giảm dần tới chỗ không còn áp dụng phương pháp xử lý rác bằng cách chôn lấp là điều hiển nhiên. TPHCM đang kêu gọi các nhà đầu tư vào xử lý rác ở TPHCM bằng công nghệ hiện đại, như công nghệ đốt phát điện, là điều rất cần thiết”.
Thời gian qua, việc thí điểm Nhà máy điện rác Gò Cát (do Công ty HMC và Công TNHH MTV Môi trường - Đô thị TP HCM phối hợp đầu tư) đã thể hiện hiệu quả bước đầu. Tháng 11.2017, TPHCM đã chính thức ban hành các ưu đãi đầu tư về chính sách trong lĩnh vực xử lý rác thải theo công nghệ hiện đại. Trong đó, nổi bật là các ưu đãi về chính sách đất đai, điều kiện cho thuê đất, miễn giảm tiền thuê đất tới 70%, hoặc miễn 11 năm tiền thuê đất.v.v... đã gây sự chú ý của rất nhiều nhà đầu tư trong lĩnh vực này. Ông Huỳnh Minh Nhựt - Giám đốc Công ty TNHH MTV Môi trường - Đô thị TPHCM - nói: “Tôi hoàn toàn ủng hộ chính quyền TP đưa ra các chính sách ưu đãi, kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực xử lý rác, theo công nghệ hiện đại, bỏ dần phương pháp chôn lấp... Tuy nhiên, cần phải ưu đãi nhiều hơn nữa, không chỉ trong chính sách đất đai, mà ưu đãi về hỗ trợ giá mua bán điện, hỗ trợ toàn bộ lãi vay, cũng như miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hoá nhập khẩu để tạo tài sản cố định cho dự án, ưu đãi đầu tư về thuế thu nhập doanh nghiệp.v.v...”.
Trong khi đó, theo TS Phùng Chí Sỹ, chuyện phát triển công nghệ đốt phát điện trong lĩnh vực xử lý rác thải, “không còn là chuyện riêng của những đô thị lớn như TPHCM hay Hà Nội; hơn thế, nó phải được xem là vấn đề của cả quốc gia. Không thể để xảy ra tình trạng cứ mãi chôn lấp rác phổ biến như hiện nay. Hơn bao giờ, Chính phủ phải đặt việc này thành công tác quan trọng trong giai đoạn 5 năm, 10 năm nữa... VN phải có nhiều các nhà máy đốt rác phát điện để không lãng phí tài nguyên rác, giảm thiểu ô nhiễm môi trường”.