Nhu cầu tiêu thụ điện năng cho sản xuất và sinh hoạt gia tăng đã tạo áp lực lên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) trong việc thu xếp vốn đầu tư cho các dự án điện.
Theo thông tin từ EVN, các ngân hàng thương mại nhà nước đã vượt hạn mức cho vay theo quy định của Ngân hàng Nhà nước đối với nhóm khách hàng của EVN, do đó, việc thu xếp vốn cho các ngân hàng từ kênh ngân hàng thương mại sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các năm tới. Trong khi đó, mức đầu tư xây dựng của ngành trong năm cũng lên đến gần 118.000 tỉ đồng để bảo đảm sự gia tăng nhu cầu điện năng cho sản xuất và tiêu thụ, vào khoảng 10%, trong năm nay
Trong cuộc trao đổi với báo giới hôm 15/1, ông Đặng Hoàng An, Tổng giám đốc EVN, cho biết sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp thuộc EVN giai đoạn 2017-2020, tập đoàn đã phê duyệt các đề án tái cơ cấu các đơn vị trực thuộc, trên cơ sở sẽ cổ phần hóa toàn bộ khối phát điện.
“Ngay trong quí 1/2018, Tổng công ty Phát điện số 3 (EVNGenco 3) thuộc EVN có tổng tài sản 111.000 tỉ đồng sẽ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) trên thị trường chứng khoán. Kế hoạch IPO của EVNGenco3 sẽ thực hiện trước ngày 9/2. Cũng trong năm 2018, hai tổng công ty phát điện còn lại thuộc EVN là EVNGenco 1 và EVNGenco 2 cũng sẽ tiếp tục được IPO", ông An cho hay.
EVN sẽ tổ chức các buổi giới thiệu thông tin (roadshow) tại Singapore, Hà Nội và TPHCM với kỳ vọng hoàn thành việc cổ phần hóa cả ba tổng công ty phát điện nói trên trong năm nay. Và tín hiệu tích cực được ông An đưa ra là vừa rồi EVN đã thoái 75% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực, thu về được khoảng 31 tỉ đồng. Nếu tính cả năm 2017 vừa qua, EVN đã thoái vốn tại tám công ty nằm trong diện phải thoái vốn hoặc giảm vốn, thu về được gần 219 tỉ đồng, thặng dư 31 tỉ đồng.
Trong năm nay, EVN sẽ tiếp tục thoái vốn tại các công ty cổ phần như thoái 7,5% vốn điều lệ tại Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVNFinance), thoái vốn tại Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh, Công ty cổ phần Phong điện Thuận Bình, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng điện 3 và 4 …
Theo giới quan sát tài chính, gần đây bắt đầu có thêm nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc mua cổ phần để trở thành nhà đầu tư chiến lược tại các doanh nghiệp ngành điện, vốn lâu nay do nhà nước nắm giữ và chi phối phần lớn vốn.
Cụ thể, khi EVN bắt đầu rao bán 749,12 triệu cổ phần của EVNGenco 3 (chiếm 36% vốn điều lệ) cho các nhà đầu tư chiến lược vào đầu tháng 1 này, đã có nhiều nhà nhà đầu tư quan tâm đến tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của EVNGenco 3.
Mới đây nhất, tại buổi giới thiệu thông tin ở Singapore hôm 12/1 vừa qua để tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược cho EVNGenco3, đã có 19 nhà đầu tư quốc tế trong lĩnh vực năng lượng tìm đến buổi roadshow này như Ratchaburi, Nebras Power, GS Energy Corporation, Siemens AG, GE Capital, Itochu, China Datang Power, Keppel Infrastructure, Osaka Gas …